Quyền lợi của người lao động ở Đức
Nước Đức-đất nước của những phát minh, của chất lượng và của những luật lệ. Quả thực, nước Đức đã trở nên nổi tiếng trên thế giới bởi sự chặt chẽ trong từng điều luật, sự ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật và sự công bằng trong việc thực thi pháp luật. Mỗi công dân Đức đều chịu trách nhiệm trước pháp luật và mỗi công dân Đức đều được bảo vệ bởi pháp luật, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong lao động. Vậy, bên cạnh mức an sinh xã hội tốt, khi làm việc tại CHLB Đức, ta sẽ được hưởng những quyền lợi hợp pháp gì?
a. Lương cơ bản:
Theo luật pháp Đức, từ năm 2019, mức lương tối thiểu cho người lao động Đức là 9,19€/giờ. Từ ngày 01.01.2020, mức lương cơ bản sẽ được nâng lên 9,35€/giờ. Nhà tuyển dụng không được phép trả bất cứ mức lương nào thấp hơn số tiền này. Cũng nên lưu ý: mức lương cơ bản này không áp dụng với người vị thành niên, tình nguyện viên,….
Nếu vi phạm quy định về lương cơ bản, nhà tuyển dụng có thể phải trả số tiền lên đến 500€.
b. An toàn lao động:
Nhà tuyển dụng phải chú ý đảm bảo sức khỏe,an toàn cho người lao động và chịu sự kiểm tra bắt buộc nếu công ty có trên 20 thành viên. Theo đạo luật An toàn Lao động của Đức (Arbeitsschutzgesetz), nhà tuyển dụng buộc phải tuân theo một số các ràng buộc nhất định đối với các khía cạnh như:
– Nơi làm việc
– Qúa trình hoạt động
– Các công việc giám sát
– Cung cấp chỉ dẫn trong công việc
– Kiểm soát rủi ro
c. Nghỉ ốm:
Người lao động có thê xin nghỉ nếu có vấn đề về sức khỏe thể chất hay tinh thần. Tuy nhiên trước đó họ cần phải xin nghỉ ốm với người quản lí. Nếu muốn nghỉ quá 3 ngày liên tiếp, họ phải có giấy khám bệnh có xác nhận của bác sĩ.
Luật pháp Đức quy định người lao động phải được trả 100% lương trong sáu tuần nghỉ ốm đầu tiên. Trong vòng sáu tháng đến một năm, nếu bệnh tái phát, người lao động sẽ lại được nghỉ thêm sáu tuần nữa và được nhận lương đầy đủ. Nếu sau sáu tuần nghỉ đầu tiên người lao động bị mắc một căn bệnh khác, họ sẽ ngay lập tức được nghỉ tiếp 06 tuần.
Nếu bệnh tình tiếp diễn sau 06 tuần đầu ốm, người lao động sẽ được hỗ trợ bởi bảo hiểm sức khỏe công hoặc bảo hiểm tư. Khoản tiền nhận được trong thời gian này lên tới 70% mức lương của họ. Thời gian tối đa họ được nhận số tiền này là 78 tuần.
d. Thời gian làm việc:
Theo đạo luật về thời gian lao động của Đức (Arbeitszeitgesetz),một tuần lao động của người Đức bao gồm 6 ngày từ thứ hai tới thứ 7. Trong đó, người lao động không được làm việc quá 8 tiếng một ngày, tức là 48 tiếng một tuần.
Với một số công việc, thời gian lao động mỗi ngày có thể kéo dài đến 10 tiếng, bao gồm các công việc theo ca hoặc công việc ban đêm. Tuy nhiên, nếu thời gian lao động của người làm việc theo ca hoặc làm việc ban đêm kéo dài đến 10 giờ một ngày, thời gian làm việc trung bình trong một tháng (tức 4 tuần) của họ không được nhiều hơn 8 tiếng.
Làm việc vào chủ nhật và các ngày lễ lớn đều bị cấm, tuy nhiên có ngoại lệ với ngành dịch vụ. Nếu làm vào chủ nhật, người lao động phải được sắp xếp nghỉ bù trong vòng 2 tuần tiếp theo; nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, họ phải được sắp xếp nghỉ bù trong vòng 8 tuần sau ngày nghỉ lễ.
Với mỗi ngày làm việc kéo dài từ 6 đến 9 tiếng, người lao động phải được nghỉ 30 phút. Thời gian nghỉ này có thể được phân chia thành hai lần, mỗi lần 15 phút. Nếu lao động trên 9 tiếng, người lao động phải được nghỉ 45 phút sau 6 tiếng làm việc. Sau khi tan ca, người lao động phải được nghỉ ngơi mà không có bất cứ sự quấy rầy nào khác từ công việc trong tối thiểu 11 giờ đồng hồ.
e. Ngày nghỉ và nghỉ lễ
Ở Đức phân biệt giữa ngày lao động (thứ hai đến thứ 7) và ngày làm việc hành chính (từ thứ 2 đến thứ 6). Theo pháp luật, số ngày nghỉ mỗi năm lên tới 24 ngày lao động/năm, tương đương với 20 ngày làm việc hành chính.Trong thực tế, họ thường được nghỉ nhiều hơn con số 24 ngày. Số ngày nghỉ thực tế của người Đức trong năm thường rơi vào khoảng 27 đến 30 ngày.
Người lao động sẽ được hưởng chế độ nghỉ trọn vẹn 24 ngày/năm nếu họ đã làm việc được 6 tháng. Nếu người lao động ngừng hợp đồng lao động trước 6 tháng, mỗi tháng họ sẽ có 1/12 số ngày nghỉ trong một năm. Nếu ngừng hợp đồng lao động sau 6 tháng, họ vẫn sẽ được hưởng đủ số ngày nghỉ một năm.
Trước khi nghỉ, người lao động phải làm đơn xin nghỉ phép và phải được nhà tuyển dụng chấp nhận. Trong một số trường hợp như yêu cầu công việc khẩn cấp hay có sự ưu tiên đặc biệt, nhà tuyển dụng có thể từ chối đơn xin nghỉ của người lao động.
Thông thường, số ngay nghỉ phép năm nào phải được sử dụng hết trong năm đó. Trường hợp chưa nghỉ hết (vì lí do công việc hay cá nhân) thì những ngày nghỉ còn lại đó sẽ được chuyển cho năm kế tiếp, nhưng phải nghỉ hết trước ngày 31.03.
Các ngày nghỉ lễ chính thức ở Đức có thể kể đến các ngày như: Năm mới (01.01), Giáng Sinh (25.12), Ngày kỉ niệm thống nhất nước Đức (03.10),…
Các học viên LIA đi chơi ngày nghỉ
f. Nghỉ thai sản:
Trong sáu tuần cuối thời gian mang thai, người phụ nữ không bắt buộc phải đi làm trừ trường hợp đã tuyên bố nguyện vọng rõ ràng. Trong tám tuần sau khi sinh, người mẹ không được phép đi làm.
Trong thời gian sáu tuần cuối thời gian mang thai tới hết tuần thứ 8 sau khi sinh, người phụ nữ có quyền được nhận lương thai sản bằng với mức lương trong ba tháng trước thời gian nghỉ thai sản.
Nhà tuyển dụng không phép được sa thải người lao động mang thai trong khoảng thời gian từ khi mang thai tới hết bốn tháng sau sinh, trừ khi được cơ quan pháp luật cho phép. Trong khi đó, người lao động mang thai hoàn toàn có quyền được nghỉ việc.
Cả cha và mẹ đều có thời gian nghỉ thai sản lên tới 3 năm, tới khi người con 3 tuổi. Quyền lợi này áp dụng cho những người lao động có hợp đồng,bất kể là lao động tạp vụ, bán thời gian hay thực tập sinh. Họ có thể nghỉ cùng lúc hoặc luân phiên nghỉ. Nếu không nghỉ, họ sẽ được nghỉ tối đa 24 tháng trong quãng thời gian sau đó, tới khi đứa trẻ 8 tuổi.
Đối với trẻ được sinh sau ngày 01.07.2015, cha mẹ sẽ được nhận trợ cấp từ chính phủ trong thời gian tối đa 24 tháng. Nếu cả cha và mẹ cùng nghỉ thai sản, hai người sẽ được hưởng chung một khoản trợ cấp trong thời gian tối đa 28 tháng.
Người lao động nghỉ thai sản có thể có làm việc bán thời gian không quá 30 giờ/ tuần. Trong thời gian nghỉ thai sản,không quá 2 lần người lao động có quyền đề nghị được giảm giờ làm xuống còn 15 đến 30 tiếng/tuần trong ít nhất hai tháng.
Trong thời gian nghỉ thai sản, nhà tuyển dụng không bắt buộc phải trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian này, người lao động có thể được nhận các khoản trợ cấp cho cha mẹ từ chính phủ. Luật pháp Đức quy định: khoản trợ cấp này có giá trị bằng 67% mức lương trung bình trong 12 tháng trước kì sinh của đứa trẻ. Khoản tiền trợ cấp cho cha mẹ tối đa được nhận là 1,800€ và tối thiểu là 300€. Cha mẹ có thể được nhận trợ cấp trong 14 tháng bắt đầu từ ngày sinh của đứa trẻ.
Người lao động có quốc tịch ngoài quốc tịch Đức cũng được hưởng những trợ cấp này. Tuy nhiên, họ phải có giấy phép cư trú và được phép làm việc ở Đức, hoặc được định cư ở Đức.
g. Quyền không bị phân biệt đối xử:
Đạo luật về đối xử bình đẳng (Allgemeines Gleichbehandlungsgesetz/AGG) của Đức nghiêm cấm sự phân biệt đối xử bởi các nguyên nhân như:
– Tuổi tác
– Tàn tật
– Chủng tộc
– Người dân tộc thiểu số
– Tín ngưỡng, tôn giáo
– Giới tính
– Xu hướng tình dục
Nhìn chung, phân biệt đối xử hay quấy rối dưới mọi hình thức, vì bất cứ nguyên nhân nào, kể cả các nguyên nhân không được liệt kê ở trên, đều bị cấm ở Đức. Người lao động có thể tố cáo các hành vi này, tuy nhiên họ phải chứng minh được mức độ tổn thương về đạo đức, tinh thần cũng như vật chất mình đã phải chịu.
—
Không thể phủ định rằng Luật lao động của Đức là vô cùng phức tạp, với những ràng buộc công việc, nghỉ lễ, lương thưởng vô cùng chặt chẽ và rõ ràng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ định rằng: bên cạnh những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt, luật pháp nước Đức luôn đặt sức khỏe và quyền được đối xử công bằng, bình đẳng của người lao động lên hàng đầu. Đây có lẽ sẽ là những thông tin hữu ích cho các bạn khi hiện nay ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn Đức là điểm đến để học tập và làm việc trong tương lai. Với bài viết trên, Công ty L.I.A mong muốn cung cấp cho các bạn có mong muốn, nguyện vọng được làm việc ở CHLB Đức một cái nhìn căn bản nhất về quyền lợi của người lao động ở quốc gia này.
Nguồn tham khảo:
https://tmsnrt.rs/2ZDuXxM